Với việc chiếu sáng trong
không gian nội thất nhà ở, tận dụng được ánh sáng tự nhiên luôn là ưu tiên hàng
đầu. Còn ánh sáng nhân tạo từ bóng đèn có hiệu quả hay không còn phải phụ thuộc
vào thiết kế kiến trúc và đặc điểm của từng căn phòng.
Đối với không gian phòng khách, công suất chiếu sáng của đèn
phải phù hợp với không gian nơi nó được sử dụng. Với những phòng khách có diện
tích rộng, ta có thể sử dụng đèn chùm hay nhiều bóng đèn rời chiếu từ trần nhà
xuống. Nếu tường sơn màu sáng và có lắp gương lớn thì không cần mắc nhiều bóng
đèn vì hệ số phản xạ cho mức hấp thụ ánh sáng cao. Ngoài ra, bạn nên kết hợp với
những loại đèn có chân để có thể di chuyển được, việc bố trí cạnh bộ ghế salon,
góc phòng dùng để đọc sách hay tạo một góc riêng ấm cúng. Nếu phòng khách, nơi
sinh hoạt chung của gia đình bạn có diện tích nhỏ hẹp, tốt nhất bạn nên dùng đèn
treo đơn giản. Lưu ý rằng những bộ đèn chùm nhiều tầng chỉ thích hợp cho các đại
sảnh hoặc không gian có độ cao trần trên 4 m.
Không gian trong phòng ngủ, không nên sử dụng ánh sáng rực rỡ
mà nên tập trung vào những điểm cần thiết như bàn trang điểm, tủ treo quần áo,
đèn bàn nơi đầu giường để đọc sách. Nếu trong phòng ngủ có để TV thì bạn nên bố
trí thêm một bóng đèn nhỏ phía sau hoặc gần với TV để giảm sự chói mắt do cường
độ sáng thay đổi liên tục phát ra từ màn hình.
Đối với phòng bếp và ăn, cần bố trí đèn tại các khu vực bàn
ăn và các vị trí quan trọng khác như chỗ để chế biến thức ăn, chậu rửa. Bóng
đèn được sử dụng cho bếp thường có hai loại, dây tóc và halogen. Đèn cho bàn ăn
nên là đèn dây tóc để thức ăn đặt trên bàn trông ngon mắt hơn, và đèn thường được
bố trí ở ngay trên, chiếu thẳng xuống bàn ăn, không tỏa ra xung quanh.
Phòng tắm luôn cần có đủ ánh sáng. Gương cũng cần dùng đèn
chiếu sáng riêng, nếu gương dài thì đèn phải được bố trí ở hai bên, gương tròn
hoặc hẹp thì bố trí đèn ở phía trên để chiếu sáng rõ mặt người. Nên chú ý dùng
loại đèn thích hợp trong môi trường có độ cẩm cao như phòng tắm.
0 nhận xét: